Người bệnh đái tháo đường có lượng đường trong máu tăng cao hoặc giảm đột ngột có thể ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh cần dùng máy đo đường huyết liên tục để theo dõi lượng đường trong máu nhằm kiểm soát đường huyết ổn định (1). Vậy máy đo đường huyết liên tục sử dụng như thế nào? Ai cần dùng? Bài viết dưới đây STV sẽ chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này!
Giá trị của đường huyết
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh bệnh đái tháo đường được định nghĩa là mức đường huyết của người bệnh vượt qua mức giới hạn bình thường. Với mức đường huyết vượt ngưỡng 126 mg/dL dễ gây nhiều biến chứng. Mức đường huyết được xem là một trong các tiêu chí chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
Qua các nghiên cứu nền tảng như: DCCT, UKPDS trong đái tháo đường cho thấy, đường huyết được xem là yếu tố nguy cơ gây biến chứng bệnh đái tháo đường, việc giảm mức đường huyết hay HbA1c được chứng minh có lợi cho người bệnh. Do đó việc theo dõi mức đường huyết, tác động của đường huyết trên các yếu tố như: tình trạng đường hóa, tác động đường huyết trên các cơ quan đích (nghĩa là gây biến chứng) luôn được các nhà khoa học, nhà thực hành lâm sàng quan tâm.
Giải pháp hiện nay của theo dõi tác động đường huyết cũng như biến chứng
Việc hiểu biết về bệnh đái tháo đường thay đổi theo thời gian qua các mốc lịch sử, điểm mốc quan trọng mà người ta nhận dạng là tình trạng thải đường ra nước tiểu của nhà bác học người Anh đầu tiên. Đến nay, có nhiều hiểu biết, tiến bộ trong phương tiện xác định đường huyết, các yếu tố bị ảnh hưởng bởi đường huyết.
Đầu tiên với các phương tiện đơn giản định tính đường trong nước tiểu, đến các phương tiện đo đường trong máu, trong huyết thanh, đo đường trong mao mạch bằng máy cá nhân cho đến nay đo đường trong dịch kẽ của mô.
Sự tiến bộ của công nghệ đã giúp người bệnh và thầy thuốc có nhiều thông tin hơn về đường huyết của người đái tháo đường. Đo đường ở một thời điểm như: lấy máu tĩnh mạch, lấy máu mao mạch để có bức tranh về đường huyết rõ hơn. Người bệnh đái tháo đường phải thực hiện thao tác can thiệp này nhiều lần, các lần quy định lây máu như: trước và sau các bữa ăn trong ngày, 1 lần trước đi ngủ.
Các giải pháp đo HbA1c, Fructosamine, 1,5 Anhydroglucitol giúp đánh giá bức tranh dao động đường huyết trong ngày, tuần, tháng tác động lên các yếu tố khác của cơ thể.
Giải pháp tiên tiến hiện nay với tiến bộ theo dõi đường huyết dịch mô kẽ, đo đạc liên tục nhiều lần trong ngày cho người bệnh đái tháo đường và thầy thuốc bức tranh đường huyết liên tục nhiều thời điểm. Đặc biệt trong các thời điểm cần quan sát như: trong các bữa ăn, trước khi đi ngủ, các thời điểm mà cơ thể cảm nhận sự khác thường như: mệt mỏi, vã mồ hôi trong hạ đường huyết…
Theo dõi đường huyết liên tục là gì?
Với mục tiêu làm sao kiểm soát đường huyết tối ưu hạn chế biến chứng của đái tháo đường. Các chỉ số HbA1c đo mỗi 2 – 3 tháng đã được chứng minh qua các nghiên cứu lớn của đái tháo đường có lợi ích trong việc theo dõi tình trạng kiểm soát đường huyết trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, điều hạn chế là cần thời gian mới biết được kết quả kiểm soát đường huyết.
Chỉ số Fructosamine cho thấy tình trạng đường hóa trên Albumin, cho kết quả ngăn hơn 2 – 4 tuần cũng có lợi ích nhiều về bức tranh đường huyết (bức tranh tổng quan về sự dao động các chỉ số đường huyết theo thời gian).
1,5 Anhydroglucitol với thời gian ngắn hơn 1 – 2 tuần cũng cho thấy tình trạng đường huyết dao động. Tuy nhiên, tất cả các chỉ số trên đều hạn chế là phải cần mất một thời gian dài mới có thể thay đổi can thiệp điều trị tối ưu.
Với mong muốn và sự hỗ trợ của công nghệ ngày nay đã cho chúng ta có thể nhìn được bức tranh đường huyết của người bệnh đái tháo đường từng thời điểm cần thiết trong ngày, các ngày liên tiếp, cũng như thời gian dài hơn. Phương tiện theo dõi đường huyết liên tục CGM (continuous glucose monitoring), bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường và thầy thuốc.
Các phương tiện theo dõi đường huyết liên tục
Với hỗ trợ của công nghệ, sự ra đời của thiết bị đường huyết liên tục đầu tiên với tên gọi Glucowatch Biographer được chấp thuận bởi cơ quan kiểm duyệt thuốc và thực phẩm Hoa kỳ từ năm 1999. Đến nay, các hãng công nghệ tiếp tục cho ra đời các thiết bị đo đường huyết liên tục với các thế hệ ngày càng tối ưu hơn.
Theo dõi đường huyết liên tục được phân 2 nhóm: hệ thống theo dõi đường huyết liên tục Realtime và hệ thống theo dõi liên tục cho thông số ngắt quãng.
Hệ thông real-time (rtCGM) cho giá trị tức thời của đường huyết người bệnh, thầy thuốc thấy được giá trị, đường biểu diễn đường huyết liên tục theo thời gian.
Hệ thống theo dõi đường huyết ngắt quãng (intermittent scanned), (IsCGM) cho kết quả trước đó một thời điểm, người bệnh có thông tin sau mỗi lần dùng thiết bị đọc, thường cho 288 lần giá trị đường huyết trong ngày, tương ứng với 288 lần thử máu trên đầu ngón tay.
Điều tiến bộ nhất là sự đồng bộ giữa máy đo đường huyết liên tục, thiết bị bơm insulin dưới da, với các chương trình cài sẵn có thể tự động hóa trong việc thông tin đường huyết, dữ liệu cho bơm insulin tự chỉnh liều tăng hay giảm tùy theo mức đường huyết giúp hạn chế mức dao động đường huyết, kiểm soát biến chứng cho người bệnh đái tháo đường.
Vận hành của máy đo đường huyết liên tục
Mỗi máy đo đường huyết liên tục sẽ có cách vận hành khác nhau. Tùy hệ thống theo dõi đường huyết liên tục Realtime hay ngắt quãng (intermittent) và thiết bị vận hành khác biệt nhau. Máy gồm 2 bộ phận chính: Bộ cảm biến glucose và bộ truyền dữ liệu.
Nguyên lý hoạt động, bao gồm:
- Thiết bị cảm biến có kích thước nhỏ đặt ở lớp dưới da người bệnh, thường ở bụng hoặc cánh tay. Vị trí trong dịch giữa mao mạch và tế bào gọi là dịch kẽ, kết nối với đầu truyền tín hiệu.
- Khi glucose, oxy trong dịch kẽ thẩm thấu qua màng bán thấm của cảm biến, phản ứng với glucose oxidase. Hệ thống cảm biến sẽ đo mức đường huyết có trong chất lỏng giữa các tế bào.
- Phản ứng sinh ra electron, electron sẽ được định lượng thành tín hiệu đầu vào.
- Tín hiệu đầu vào được ghi lại, hiệu chuẩn thành nồng độ đường tương ứng trong máu.
- Sau đó máy sẽ gửi thông tin “không dây” đến màn hình. Một số máy CGM có thể gửi kết quả đo trực tiếp tới điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối thông qua kết nối Bluetooth.
Chú ý: tùy vào mỗi dòng máy, màn hình hiển thị lượng đường ở các khoảng thời gian 1 phút, 5 phút, 10 phút hoặc 15 phút. Nếu lượng đường giảm xuống mức thấp hoặc tăng cao nguy hiểm, màn hình sẽ phát ra âm thanh cảnh báo.
Các đối tượng cần theo dõi đường huyết liên tục
Sự thuận tiện của thiết bị theo dõi đường huyết liên tục mang nhiều lợi ích cho người bệnh và thầy thuốc đưa ra các giải pháp thích hợp bao gồm: chế độ ăn hợp lý, phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế các biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết.
Qua các nghiên cứu, đồng thuận của các Hiệp hội như: Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, Hiệp hội Đái tháo đường của các quốc gia, Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo sử dụng ở một số đối tượng người bệnh như:
- Thường xuyên hạ đường huyết (glucose < 7,0% mà không gây hạ đường huyết (glucose < 3,9mmol/L)).
- Trước và trong khi mang thai (đái tháo đường thai kỳ).
- Người bệnh có HbA1c ≥ 7,0% và có điều kiện sử dụng CGM (máy đo đường huyết liên tục).
- Người bệnh đang nằm viện điều trị vì bệnh cấp tính cần theo dõi sát đường huyết.
- Những người bệnh có mong muốn quản lý bệnh đái tháo đường tốt hơn
Các điều cần lưu ý khi sử dụng máy đo đường huyết liên tục
Việc sử dụng máy đo đường huyết liên tục tùy theo hệ thống cần phải tuân thủ quy trình lắp đặt và sử dụng.
Hiện nay, hệ thống theo dõi đường huyết Real-time cho kết quả đường huyết và thông tin đường biểu diễn đường huyết, tuy nhiên cần thiết phải cân chỉnh mỗi 8 giờ (calibration) giúp cho thiết bị hoạt động chính xác hơn.
Hệ thống theo dõi đường huyết ngắt quãng (isCGM) cần phải ghi nhận vào đầu đọc càng nhiều càng tốt, tránh quên chuyển dữ liệu trong thời gian vượt quá giờ hệ thống sẽ mất dữ liệu.
Kết quả đường huyết nếu so sánh với đường huyết mao mạch hay tĩnh mạch có thể khác biệt. Tuy nhiên sự khác biệt này cho phép vì có độ trễ sinh học, độ trễ cơ học với lý do đường huyết di chuyển từ mạch máu ra mao mạch.
Các mũi tên chỉ khuynh hướng đường huyết có giá trị cảnh báo cho người bệnh đái tháo đường và thầy thuốc tiên đoán mức đường huyết trong thời gian ngắn 30 phút đến 1 giờ sau để có giải pháp theo dõi hay can thiệp tích cực.
Bộ phận cảm biến (sensor) gắn vào da cần phải theo đúng hướng dẫn, vị trí, bộ phận có thể không ngấm nước trong thời gian dưới 2 giờ. Tuy nhiên, người bệnh nên cẩn thận vì chất keo dính vào da sẽ bị ảnh hưởng khiến dễ rớt, chất keo có thể gây dị ứng da tại chỗ.
Các dữ liệu trong đầu dọc được phân tích theo nhiều khía cạnh cần được hợp tác với thầy thuốc để hiểu rõ hơn.
Một số trường hợp đặc biệt như: tăng đường huyết trên 500mg/dL, hay mức hạ đường huyết nặng, cần kiểm tra lại mức đường huyết bằng các phương tiện khác như máu tĩnh mạch.
Việt Nam có hơn 5 triệu người bệnh đái tháo đường, trong đó hơn 55% người bệnh có biến chứng bao gồm: tim mạch, mắt, thần kinh, thận… Do đó, người bệnh đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra đường huyết để bảo vệ sức khỏe tốt hơn, tránh biến chứng nguy hiểm.